Chế Linh - Ừ Về Thôi!


Vẻ ngoài rất trầm tính, chân thành, ánh mắt sáng và nụ cười rất thân thiện, nhân ái, – Đó là ấn tượng khi tiếp xúc với nam danh ca Chế Linh.

 


Cách nay 12 năm, Chế Linh đã từng về Việt Nam sau 28 năm xa cách để cùng Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và  các "Mạnh Thường Quân" tổ chức hai chương trình ca nhạc nhằm gây quỹ từ thiện tại Thủ Đô Hà Nội trong những ngày cuối tháng 1/2008.

 


Chế Linh là người Việt gốc Chăm, tên “cúng cơm” là Chà Len, sinh ra ở Ninh Thuận. Chế Linh vừa là một ca sĩ (Chế Linh) và vừa là một nhạc sĩ (Tú Nhi), có một giọng hát đặc biệt và có rất nhiều bài hát nổi tiếng. Chế Linh có thiên hướng hát về nhạc bình dân, đơn sơ và gần gũi với số đông quần chúng. Tên tuổi của anh gắn liền với các nhạc phẩm như: Thói đời, Thành phố buồn, Mười năm tình cũ…Về Việt Nam với một tâm trạng vui mừng và hân hoan khi trở về đất mẹ, những xúc cảm bồi hồi của một quá khứ tưởng chừng như mới hôm qua cứ theo dòng ký ức tuôn trào.

 


Những tháng ngày tuổi ấu thơ chợt trở về theo dòng ký ức. Anh nhớ mãi hình ảnh mình còn là một cậu bé Chàm  hiếu động, ham chơi.Gia đình khá giả và có danh tiếng trong cộng đồng Chàm nên cậu bé Chà Len  rất được thương yêu. Biệt tài của cậu bé Chàm không phải là ca hát mà chính là tài cỡi ngựa. Cậu bé có thể phi nước đại và nằm dài người trên lưng ngựa không cho người ta thấy mình. Những đồi cát nắng và gió chính là những ký ức sâu đậm khó quên. Tuổi thơ của Chà Len cứ thế mà lớn dần trong sự vô tư, yên bình.

Năm 1956, tình hình chính trị miền nam rối ren, nạn chia rẽ sắc tộc, tôn giáo bắt đầu manh nha. Chính phủ Ngô Đình Diệm cũng chú ý đến các sắc tộc thiểu số. Dạo đó giới thanh niên Chăm rất thường xuyên bị các thanh niên Việt “do bị kích động” ăn hiếp. Chế Linh “cầm đầu” 12 thôn Chàm  đứng lên “Đ đảo chính quyền Ngô Đình Diệm - chống lại sự chia rẽ và phân biệt giữa Chàm và Việt”. Một mình cậu bé Chà Len đã phi ngựa cùng cung tên tẩm hỏa bắn cháy 3 ngôi nhà của người Việt chuyên ăn hiếp các thanh niên Chàm. Sợ trả thù và ở tù, cậu bé đã rời bỏ quê nhà vào Sài Gòn sinh sống bằng chuyến xe lửa Ninh Thuận – Sài Gòn.

Những tháng ngày đầu tiên trên xứ Sài Gòn hoa lệ, một thân một mình không có người thân. Tài sản đem theo là 1200 đ (một số tiền rất lớn thời bấy giờ) được trao tay ân cần của Mẹ với biết bao hy vọng và gởi gắm vào con, Chế Linh với bản tính chân thành, thật thà đã được những người dân lao động Sài Gòn thương yêu và giúp đỡ. Anh nhớ chú Ba Xích lô, bà ba, thím tám và nhớ nhất là vợ chồng ông chủ người Hoa đã nhận anh làm công và cưu mang anh những ngày đầu vào Sài Gòn.

Sau những buổi đi học, Chế Linh dừng chân ở phòng trà Hòa Bình nghe người ta hát và học hát tiếng Pháp và tiếng Việt.

Chính thức theo nghề ca hát năm 1960. Chỉ hai năm sau, Chế Linh đã là một tên tuổi rực sáng trong làng ca nhạc miền nam, nối tiếp những đàn anh danh vọng như Anh Ngọc, Duy Khánh bằng một phong cách rất riêng – nhạc bình dân dành cho người nghèo.Nói như vậy không có nghĩa là Chế Linh chỉ có khán giả lao động. Xã hội miền nam thời đó không có truyền hình, chỉ có diễn show và nghe qua làn sóng phát thanh cùng đĩa nhựa. Tên tuổi của anh được ưu ái khắp mọi phương tiện truyền thông.Giới bình dân say mê anh, giới trí thức , giới nhà giàu cũng thế. Đĩa nhựa có Chế Linh bán rất chạy.Hình ảnh Chế Linh ngập tràn các mặt báo.

Chế Linh là một nam ca sĩ hát song ca với rất nhiều ca sĩ như Hương Lan, Phương Dung, Giao Linh, Thiên Trang…Trong các ca sĩ hát song ca với anh, nữ ca sĩ Thanh Tuyền là ăn ý nhất. Chế Linh – Thanh Tuyền là một cặp song ca thành công được đông đảo khán giả yêu thích. Với bản thân mình, Chế Linh cũng thừa nhận: “Tôi hát song ca với Thanh Tuyền là hợp nhất. Bởi giọng tôi và Thanh Tuyền khác nhau, người thì cao vun vút, người thì ngược lại.Chúng tôi hợp lại với nhau sẽ làm cho bài hát song ca thật hoàn chỉnh và thành công.”

Sau năm Mậu Thân, Chế Linh nhận thấy nếu muốn cho nghề nghiệp lâu dài và khán giả mãi yêu thích mình rất cần một “sự lắng” và thay đổi. Anh cùng bạn bè lặng lẽ rời khỏi Sài Gòn ra Vũng Tàu “ẩn thân”. Nhưng nghiệp ca hát vẫn đeo mang, anh mở phòng trà tại Vũng Tàu. Danh tiếng và sự yêu thích đối với Chế Linh đã làm cho phòng trà thành công trong nhiều năm liền và luôn luôn đông khách.

Năm 1972, Chế Linh đã đoạt giải Kim Khánh bên lĩnh vực Tân Nhạc – Huy chương vàng - Nam Ca sĩ.

Nổi tiếng nhưng Chế Linh vẫn rất chan hòa với mọi người. Với đồng nghiệp, Chế Linh được nhiều người thương quý. Với khán giả anh là thần tượng của họ, thần tượng của cả những người lính ngụy và cả những người “bên kia chiến tuyến”.

Chế Linh không hề làm chính trị nhưng cuộc đời của Chế Linh thường có những “vận mệnh” liên quan đến Chính Trị.

Có một kỷ niệm Chế Linh không quên.Có lần anh bị Cảnh sát chính quyền Ngô Đình Diệm mời về bót. Lý do là trong một số ba lô của các chiến sĩ phe Cách Mạng bị bắt hoặc hy sinh có hình và chữ ký tặng của anh. Chế Linh bị “nghi” là có liên hệ mật thiết với “Cộng Sản”. Chế Linh tâm sự: “Đối với Chế Linh, họ là những khán giả yêu quý mình. Chỉ có thế. Tôi cũng cảm thấy rất xúc động và trân trọng”.

Nhạc anh hát thường là những bài buồn nên sau mùa hè đỏ lửa 1972, Bộ Văn Hóa Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa và ông Hoàng Đức Nhã đã ra chỉ thị cấm Chế Linh hát và cấm nhạc Chế Linh. Lý do được đưa ra là các ca khúc của anh “ru ng tinh thần chiến đấu của lính cộng hòa”. Anh bị cấm hát vì “nghi” thân Cộng Sản.

Miền Nam giải phóng, nước nhà độc lập. Chế Linh vẫn ở lại quê hương. Những tháng ngày đó cũng là những kỷ niệm khó quên với anh. Chế Linh không được may mắn như những nghệ sĩ khác, do những tư thù cá nhân, những hiểu lầm trong hoàn cảnh rối ren, Chế Linh phải trải qua những tháng ngày sống trong cơ cực, tội tù….đến rơi nước mắt.

Nhưng con chim vẫn luôn cất tiếng hát, Chế Linh có dịp cộng tác với các nghệ sĩ Cách Mạng như NSND Quốc Hương, Nghệ sĩ dương cầm Đức Quỳnh, Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Phạm Trọng Cầu …Chế Linh cũng hòa nhập vào nền âm nhạc dân tộc và được yêu thích qua các ca khúc Cách Mạng, điển hình như Trường Sơn Đông –Trường Sơn Tây, hay là những ca khúc phổ từ thơ Tố Hữu mà Chế Linh sáng tác từ những chuyến xe đò đi lưu diễn miền tây như ca khúc phổ từ bài thơ Em Là Ai Cô Gái Hay Nàng Tiên( Chế Linh viết nhạc với cái tên Vi Nhân).

Tâm sự về những tháng ngày đã qua.Chế Linh bày tỏ: “Trong gian khổ rèn luyện tôi ý chí sống, trong khó khăn mới quý trọng tình thân.Hãy học cách quên đi để sống, để tha thứ cho nhau, để cùng nhìn về tương lai…Lòng tôi là thế!”

Sau biết bao nhiêu năm xa cách quê hương, Chế Linh trở về. Ở xa quê hương, ai mà không nhớ thương. Chế Linh cũng vậy thôi. Nhưng về cũng phải “có lúc”. Và đối với Chế Linh. Đây là lúc thích hợp để về, về vì vẫn còn “làm được việc”, về để hát cho khán giả tại quê nhà….Ừ! Thế thì về thôi.

Về đối với Chế Linh rất đơn giản như là “Về Nhà”.Chế Linh ghé thăm bạn bè cũ, ghé thăm quê nhà, ghé thăm vùng sông nước miền Tây…và ghé thăm Hà Nội. Chế Linh dành nhiều thời gian ghé thăm văn nghệ sỹ, thăm Hội Nghệ Sĩ tư cách là “một nghệ sĩ ghé thăm anh em” (theo lời anh nói).

Một người mà Chế Linh về là phải ghé thăm đó là nhạc sĩ Châu Kỳ. Chế Linh ghé thăm ông nhân sinh nhật lần thứ 84 của nhạc sĩ . Lòng nghĩ về nhạc sĩ Châu Kỳ, Chế Linh nói: “Chế Linh và Châu Kỳ đã gắn bó với nhau từ mấy chục năm nay, thân còn hơn anh em ruột thịt. Gặp lại anh em xúc động lắm. Ngày xưa ông ấy viết bài theo kiểu “đo ni đóng giày” cho giọng hát Chế Linh mà. Nhiều người sợ rằng khi Chế Linh về VN thì anh em không còn mấy ai. Nhưng may mắn, chúng tôi vẫn gặp được nhau…”

Trước những đổi thay của quê hương. Chế Linh cảm thấy rất vui mừng và xúc động. Lòng càng dâng trào hơn khi anh thấy khán giả vẫn yêu thích mình. Nhất là khán giả phía Bắc. Chế Linh tâm sự tiếp: “Điều mà tôi ngạc nhiên nhất là lớp trẻ ở Việt Nam thuộc lòng nhiều bài hát của tôi. Đi đến đâu tôi cũng nghe các bạn hát một vài câu hoặc cả bài. Tôi nghe mà cảm động vô cùng. Cảm ơn quê hương đã ưu ái dành cho tôi một chỗ đứng trang trọng trong lòng công chúng”.

Và đúng thật, từ sau lần về nước năm 2008, Chế Linh đã nhiều lần trở về, cùng với các ca sĩ khác hát trên đất nước độc lập – tự do –thống nhất. Tiếng hát hòa vào quê hương và dân tộc.

 

LÊ QUANG THANH TÂM

(Gặp Chú  Chế Linh trong một đêm cuối tuần trước khi Chú bay về lại Canada)

 

 

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sốc với "trò" của Mai Quốc Doanh

Duy Tân - Người Mẫu và Diễn Viên