Liên Hoan Phim Á Châu Lần Thứ 17 Năm 1971

(Theo sách Điện Ảnh Miền Nam - Trôi Theo Dòng Lịch Sử của tác giả Lê Quang Thanh Tâm)

Kỳ này, Liên hoan phim được tổ chức tại Đài Bắc từ ngày 5 đến 9 tháng 6 năm 1971. Các ngôi sao điện ảnh, đạo diễn, quay phim, giám đốc điều hành và kỹ thuật viên đến từ khắp các nước trong khu vực Châu Á.

Trước khi diễn ra Liên hoan phim, các phái đoàn nghệ sĩ đến dự lễ dâng hoa tại Đài tưởng niệm các liệt sĩ Trung Hoa. Hình ảnh nữ ngôi sao Thanh Nga cùng tài tử Lê Quỳnh rạng ngời bên các diễn viên những nước khác.

Hơn 10.000 fan đã tập hợp để chào đón các đoàn điện ảnh đến từ các quốc gia và một chương trình ca múa nhạc chào mừng được dàn dựng công phu.

Đoàn tham dự của điện ảnh Sài Gòn đem đến liên hoan phim các bộ phim "Chân trời tím", "Người tình không chân dung", "Nàng - Người đẹp Cẩm Vân"...

Đoàn Nam Việt Nam đi dự liên hoan phim rất đông, trong đó có những tên tuổi nổi bật như: Đạo diễn Lê Hoàng Hoa, Nhà sản xuất Quốc Phong, các tài tử Thanh Nga, Xuân Dung, Đoàn Châu Mậu, Kiều Chinh, Kim Vui, Ánh Nga, Túy Hồng,...

Đây cũng là Liên hoan phim châu Á có cạnh tranh - thi thố cuối cùng. Liên hoan phim năm 1972 tại Seoul sẽ chỉ bao gồm các buổi trình chiếu giới thiệu các bộ phim truyện và phim tài liệu nhưng trên cơ sở là giao lưu và học hỏi chứ không có cạnh tranh. Các thành viên của Liên đoàn các nhà sản xuất phim điện ảnh ở châu Á đã đồng ý rằng việc so sánh là quá khó khăn và đôi khi không công bằng bởi sự chênh lệch giữa các nền điện ảnh quá cao.

Trong thông điệp gởi cho Liên hoan phim lần thứ 17, Tổng thống Đài Loan Tưởng Giới Thạch đã nói: "Những bộ phim hay không phải chỉ có chức năng thương mại mà còn cung cấp sự giác ngộ về tâm hồn, mang tính giáo dục. Ưu tiên trao giải cho những bộ phim có thể đóng góp nhiều cho sự phát triển và trao đổi văn hóa, thúc đẩy tình hữu nghị giữa người dân của các quốc gia khác nhau."

Tối ngày 9 tháng 6 năm 1971, kết quả đã được công bố. Đất nước Indonesia đã thắng giải bất ngờ với giải thưởng lớn nhất Golden Harvest dành cho phim "The Tragedy" của đạo diễn Wim Umboh với các diễn viên tham gia là Widyawati, Sophan Sophiaan,…sau khi loại các đối thủ khác trong Top 4 là Hồng Kông, Đài Loan, Nam Việt Nam (Phim “Người tình không chân dung”).

Kịch bản phim hay nhất thuộc về nhà biên kịch Usmar Ismail của Indonesia qua bộ phim "Ananda".

Nữ diễn viên Chân Trân đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất năm 1971 trong phim “Câu chuyện của Ti Ying”

Nam diễn viên Nam Kung Won của Hàn Quốc được bầu chọn là Nam diễn viên xuất sắc nhất cho vai diễn trong bộ phim "Chiến tranh và Con người".

Danh hiệu Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất được trao cho Lee Hsiang của Trung Quốc với vai diễn trong phim "Cuộc sống với Mẹ".

Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất trao cho Bak No Shik của Hàn Quốc với bộ phim "Chiến tranh và Con người".

Nữ diễn viên Kiều Chinh của Việt Nam đoạt giải Nữ diễn viên nổi tiếng nhất năm 1971 - (Ảnh hậu Á Châu) và bộ phim “Người tình không chân dung” của Giao Chỉ Phim đoạt giải phim chiến tranh hay nhất.

Nam diễn viên nổi tiếng nhất năm 1971 thuộc về nam diễn viên Indonesia là Sophan Sophian.

Nhà quay phim Trần Văn Lịch của Nam Việt Nam đoạt giải nhà quay phim đen trắng xuất sắc nhất với bộ phim "Nàng - Người đẹp Cẩm Vân" do nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng đóng chính.

Nữ tài tử Kim Vui đại diện đoàn phim "Chân trời tím" lên nhận giải phim thể hiện ngôn ngữ điện ảnh hay nhất.

Diễn viên nữ trẻ triển vọng được trao cho hai diễn viên: Kim Hec Ka của Hàn Quốc trong phim "The Last Prince" và Nanya của Indonesia trong phim "Bi kịch của Njai Dasima"

Nam diễn viên trẻ triển vọng trao cho Farouk Mero của Indonesia trong phim "Con đường không trở lại".

Sau Liên Hoan Phim, các nghệ sĩ tham dự các chương trình tham quan tại thủ đô Đài Bắc.

Đoạn cuối phim là hình ảnh các ngôi sao tham gia buổi tiệc tiếp tân của chính phủ. Nữ minh tinh Kiều Chinh cùng nhiều ngôi sao Á Châu khác vinh dự được giới chức cấp cao Đài Loan tiếp đón.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sốc với "trò" của Mai Quốc Doanh

Duy Tân - Người Mẫu và Diễn Viên