Hãng Phim Mỹ Vân - Lịch Sử Hình Thành Và Phát Triển




Đây là một trong những hãng phim thương mại sản xuất phim có tiếng nói đầu tiên tại Việt Nam.
Lan Hương và Thanh Hương

Năm 1952 tại Hà Nội, ông Lưu Trạch Hưng thành lập hãng phim Việt Ảnh Mỹ Vân, đã sản xuất cuốn phim đầu tiên với tên Cô Gái Việt và hai diễn viên nữ chính là Lan Hương, Thanh Hương (không phải đào cải lương Thanh Hương ở trong Nam). Như vậy coi như Lan Hương và Thanh Hương là 2 nữ tài tử điện ảnh đầu tiên của hãng Mỹ Vân.
Kim Lan và Kim Cúc trong phim "Quan Âm Thị Kính"
Năm 1954, hãng phim di cư vào Sài Gòn và đổi tên thành Mỹ Vân Điện Ảnh, tọa lạc tại Số 6 Ngô Thời Nhiệm, Quận 3, Sài Gòn. Buổi đầu, hãng Mỹ Vân hợp tác với nghệ sĩ Năm Châu quay cuốn phim Quan Âm Thị Kính.
Túy Phượng
Năm 1956, Hãng Mỹ Vân sản xuất bộ phim ca nhạc Tình Quê Ý Nhạc với sự góp mặt của vợ chồng kịch sĩ Túy Hoa và Anh Lân…
Văn Chung - Kim Cúc - Thanh Hương
Cũng trong hai năm 1956 - 1957, Hãng Mỹ Vân thực hiện cuộc thi Tuyển Lựa Diễn Viên Điện Ảnh để tìm kiếm nhiều tài năng mới cho nền nghệ thuật nước nhà. Những gương mặt nổi tiếng bước ra từ cuộc thi là Thẩm Thúy Hằng, Nguyễn Đình Dần, Kim Vui, La Thoại Tân, Trang Thiên Kim,...

Thẩm Thúy Hằng trong vai Tam Nương phim "Người Đẹp Bình Dương"

Cuối năm 1957, hãng Mỹ Vân tung ra bộ phim Người Đẹp Bình Dương trình chiếu vào dịp Noel và mừng năm mới 1958 với chiến lược quảng cáo rất sôi động. Ngay lập tức, bộ phim đã thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo khán giả và bộ phim cũng cho ra đời gương mặt minh tinh Điện ảnh miền Nam trong tương lai : Thẩm Thúy Hằng.

La Thoại Tân và Kim Cương phim "Tơ Vương Đến Thác"
Song song với thành công của Người Đẹp Bình Dương, Hãng Mỹ Vân lại hốt bạc tiếp khi tung phim Tơ Vương Đến Thác cùng năm. Phim thực hiện dựa theo câu chuyện Trương Chi và Mỵ Nương. Vai Mỵ Nương do Kim Cương đóng. Thẩm Thúy Hằng diễn vai đứa em gái của chàng Trương Chi mang chén ngọc tới tặng cho người đẹp. Chàng chèo đò si tình Trương Chi do nam diễn viên La Thoại Tân đóng.  Trương Chi là một thanh niên đẹp trai, trước khi đối diện với cô tiểu thơ Mỵ Nương. Vì biết được Mỵ Nương thích Trương Chi, nên lão huyện quan cùng tên công tử bột cũng si mê Mỵ Nương âm mưu cho người hủy hoại dung mạo của Trương Chi…Tơ Vương Đến Thác rất ăn khách. Khán giả lớn tuổi vẫn còn nhớ tấm poster phim in hình La Thoai Tân đang ôm Kỳ Nữ, kiểu chụp theo bìa các quyển tiểu thuyết diễm tình rất được ưa chuộng thời cuối thập niên 1950.
Trang Thiên Kim
Cuối năm 1958, Hãng Mỹ Vân lại thực hiện phim Giọt Mưa Ngâu – Ngưu Lang Chức Nữ. Diễn viên chính gồm có Thẩm Thúy Hằng, La Thoại Tân, Kiều Hạnh, Ba Vân….Bộ phim kể lại thiên tình sử bi thảm mà không người Việt Nam nào lại không biết, một chuyện tình đẹp thời cổ đại được lồng vào những triết lý đạo đức sống, quan điểm luyến ái và ý nghĩa của đời người. Kiều Hạnh trong phim diễn rất tốt vai Loan Anh. Thẩm Thúy Hằng nhan sắc càng rực rỡ hơn qua vai Chức Nữ. La Thoại Tân vai Ngưu Lang.
Thẩm Thúy Hằng

Bên cạnh những bộ phim cổ trang, hương xa rất được khán giả bình dân yêu thích, Hãng Mỹ Vân cũng thực hiện các phim tâm lý xã hội. Đầu năm 1959, Hãng Mỹ Vân sản xuất bộ phim Chị Chồng Tôi – tức Người Thợ Vẽ. Nguyên tác là một tác phẩm cải lương nổi tiếng của soạn giả yêu nước Trần Hữu Trang từng công diễn liên tục trên 20 năm và do Nguyễn Thành Châu chuyển thể. Nội dung phim là một bi kịch hôn nhân về sự khác biệt của quan niệm luyến ái. Phim Chị Chồng Tôi tập trung rất nhiều danh tài nghệ sĩ miền Nam như: Trang Thiên Kim, La Thoại Tân, Bà Năm Sa đéc, Ba Vân, Bảy Nhiêu, Kim Lan, Kim Cúc,…
Kim Cương trong phim "Đôi Mắt Huyền"

Năm 1960, Hãng Mỹ Vân cùng NSND Ba Vân và đạo diễn Lê Mộng Hoàng dàn dựng bộ phim hương xa Nhật Bản - Đôi Mắt Huyền.  Bộ phim dựa theo vở cải lương Thuyền Ra Cửa Biển rất nổi tiếng của bộ ba Thành Được - Út Bạch Lan - Thanh Nga. Lên phim, có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ như: Kim Cương (vai Chiêu Trúc Lệ), Thẩm Thúy Hằng( Công chúa Mỹ Ly), La Thoại Tân( vai Diệp Băng Đình), NSND Ba Vân (vai Diệp Chấn Phong), Nam Hùng (vai Hoàng Hiệp Thái Lang), Thanh Thanh Hoa (Công chúa Chiêu Lan Đài), Xuân Phát (vai Kiến Phương), Kiều Nhung (vai Tiểu Thư Phương Dung), Quỳnh Hoa (vai Tuyết Hoa), Ảnh Ảnh Tuyết (vai Tuyết Lan), Minh Đạt (vai Đại Thần), Sáu Trọng (vai ông chèo đò)… Chuyện tình yêu éo le, tay ba, tay tư....rất lôi cuốn, bi kịch, ấn tượng.Bộ phim tốn kém chi phí rất nhiều, là một cố gắng cao của hãng phim Mỹ Vân thời bấy giờ.
Ông Lưu Trạch Hưng đang trao đổi kịch bản với Thẩm Thúy Hằng

Những bộ phim khác thành công của Hãng Mỹ Vân có thể kể: Áo Dòng Đẫm Máu, Đò Chiều, Bóng Người Đi – tức Đoạn Tuyệt, Con Gái Chị Hằng, Tơ Tình, Mười Năm Giông Tố, Bẫy Ngầm, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Điệu Ru Nước Mắt, Năm Vua Hề Về Làng, Quái Nữ Việt Quyền Đạo, Triệu Phú Bất Đắc Dĩ, Người Chồng Bất Đắc Dĩ, Đứa Con Trong Lửa Đỏ, Sau Giờ Giới Nghiêm, Sợ Vợ Mới Anh Hùng, Chân Trời Tím, Việt Nam Trong Ly Loạn,…


Ngoài những bộ phim sản xuất độc lập, Hãng Mỹ Vân còn hợp tác với chính quyền VNCH hoặc những hãng phim khác để sản xuất những bộ phim có kinh phí lớn, mang tầm quốc tế dưới bản hiệu là Liên Ảnh Công Ty , gọi tắt là Liên Phim.


Mấy năm đầu của thập niên 1970 điện ảnh miền Nam hoạt động nhộn nhịp với mấy chục hãng làm phim, mà đại đa số chỉ có tên trên giấy tờ, chớ người ta không thấy phim trường ở đâu cả, riêng hãng Mỹ Vân là có phim trường nội từ lâu, có đủ phương tiện và làm mạnh tay hơn ai hết.

Đoàn Châu Mậu

Lê Quỳnh

Hãng Mỹ Vân với thiện chí nêu cao tình đoàn kết trong giới làm phim và luôn để điện ảnh Việt Nam có cơ hội theo kịp đà phát triển của phim ảnh các nước Á Châu khác. Ðó là một chủ trương rất đáng tán thưởng và khích lệ.

Mộng Tuyền
Ðến giữa năm 1974 hãng Mỹ Vân đã yểm trợ cho đạo diễn Ðỗ Tiến Ðức lên Ðà Lạt quay phim kinh dị Giỡn Mặt Tử Thần bằng nhiều phương tiện, coi như tiếp hơi cho đồng nghiệp.

Lê Quỳnh và Ngọc Tuyết trong phim "Bẫy Ngầm"
Kim Cương và La Thoại Tân

Thẩm Thúy Hằng và La Thoại Tân

Ông Lưu Trạch Hưng và bạn bè điện ảnh

Ngày Điện Ảnh Việt Nam

Ông Lưu Trạch Hưng (người đội nón)

Ông Nguyễn Xuân Oánh ra thăm đoàn phim

Khi xuất ngoại để tìm thị trường cho phim Mỹ Vân, ông giám đốc Lưu Trạch Hưng cũng đã hoạt động theo chiều hướng đưa tất cả phim Việt Nam có giá trị ra nước ngoài, để điện ảnh Việt Nam có cơ hội góp mặt trên thị trường quốc tế, mặt khác cũng để thu hút ngoại tệ cho nước nhà.

Năm 1974, Hãng phim Mỹ Vân đã tiến hành xây dựng hoàn chỉnh phim trường ngoại cảnh lớn ở xa lộ Biên Hòa…


Sau ngày thống nhất đất nước, ông bà chủ hãng phim là ông Lưu Trạch Hưng và vợ là bà Nguyễn Lưu Mỹ Vân đã sang Hoa Kỳ định cư.




Trụ sở chính của Hãng phim Mỹ Vân được quốc hữu hóa thành Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu (nay là Công ty TNHH MTV phim Nguyễn Đình Chiểu- NDCF). Đây là doanh nghiệp nhà nước duy nhất ở TP.HCM đều đặn sản xuất các chương trình phim truyện, phim tài liệu, hình ảnh nhân vật…


Sau khi định cư tại San Francisco, California,  hãng phim vẫn tiếp tục phục vụ cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và toàn Hải Ngoại dưới hình thức cho các hội đoàn thuê phim và mua bản quyền phân phối phim của các nước khác như Hong Kong, Ấn Độ và Nhật. Hãng phim đổi tên lần thứ ba thành "My Van Films" và được Hoa Kỳ bảo vệ thương hiệu, bản quyền cho 9 cuốn phim sản xuất tại Việt Nam đã may mắn còn giữ lại được khi sang đây.





N
ăm 1996, Hội Ðiện Ảnh Hải Ngoại họp nội bộ tại trụ sở Việt Nam Tương Tế, Westminster hai ông bà Mỹ Vân đang định cư tại Los Angeles cũng đến tham gia.


Lê Quang Thanh Tâm - trích trong sách Điện ảnh miền nam trôi theo dòng lịch sử

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sốc với "trò" của Mai Quốc Doanh

Duy Tân - Người Mẫu và Diễn Viên