Phim Điện Ảnh Sài Gòn trước năm 1975 kỳ 1


 
NGƯỜI ĐẸP BÌNH DƯƠNG (1957)
Còn có tên là Chuyện Tam Nương. Kịch bản và đạo diễn: Nguyễn Thành Châu.
Diễn viên và vai diễn: Thẩm Thúy Hằng vai Tam nương, Nguyễn Đình Dần vai Thái tử Kinh Luân, Ba Vân vai Người bán tơ, Bảy Nhiêu vai Ông Đạt, Thúy Lan vai Cô gái làng, Kim Vui vai Lan Hương, Minh Tâm vai Cúc Hương, Xích Tùng vai Tướng cướp Trương Thiên…
Cốt truyện xưa bi thảm, phản ảnh một quan niệm gia đình phong kiến lỗi thời. Phim đề cao lòng hiếu thảo của cô con gái út, dù bị gia đình ghét bỏ, khinh khi chỉ vì trời bắt xấu…Trải qua bao gian truân đầy ải, cô thoát xác thành một mỹ nhân, kết duyên cùng hoàng tử trẻ đẹp và tài ba. Cốt chuyện giản dị, nhẹ nhàng theo kiểu cô bé lọ lem và hoàng tử. Phim thành công về mặt doanh thu. Tên tuổi Thẩm Thúy Hằng gắn liền với biệt danh “Người đẹp Bình Dương” từ dạo ấy!
 
 
HỒI CHUÔNG THIÊN MỤ (1957)
Hãng Tân Việt thực hiện. Phim đen trắng, 35mm, 1 giờ 25 phút. Đạo diễn Lê Dân. Diễn viên chính: Lê Quỳnh vai Hoài An, Kiều Chinh vai Như Ngọc, Phương Mai vai Lệ Hà, Hà Bắc vai Trưởng Tác, Thái Huy vai Bình Lâm, Ngọc Quỳnh vai Văn Thái…
Phim dựa theo tiểu thuyết dã sử của nhà văn Phan Trần Chúc. Câu chuyện xảy ra tại Huế vào thế kỷ 19. Giòng sông Hơng nước chảy lặng lờ đã chứng kiến biết bao oan trái của chuyện tình sư nữ Như Ngọc và anh chàng Hoài An, xuất thân từ nho sinh của trường Quốc tử giám triều Nguyễn. Phim đầu tiên của nữ minh tinh Kiều Chinh.
Thực hiện bộ phim này, đạo diễn Lê Dân mong muốn giữ nét văn hóa dân tộc, qua câu chuyện xưa xảy ra dưới triều Vua Tự Đức. Các công tử con quan tranh giành tình yêu, ám hại nhau. Cuối cùng những kẻ gây tội ác phải đền tội. Những người tốt được đoàn tụ trong hạnh phúc, đi lập nghiệp ở vùng đất mới.
Đây là một phim có nhiều tình tiết, đòi hỏi những phương tiện thực hiện công phu và khá lớn lao (tương đối trong hoàn cảnh chung của nền điện ảnh nước ta). Bộ phim làm cho khán giả thấy được tính dân tộc về mọi mặt: từ cốt truyện, bài trí, y phục, nhạc đệm, đối thoại. Riêng về khung cảnh, phim giới thiệu nhiều cảnh đẹp, thơ mộng và đặc biệt là những cảnh trầm hùng, nên thơ của sông Hương, núi Ngự.
Kiều Chinh quyến rũ khán giả bởi vẻ đẹp sang trọng, rạng rỡ. Nối tiếp phim Hồi chuông Thiên Mụ là một loạt dài dằng dặc các vai diễn dành cho cô. Nếu nhận xét Kiều Chinh thường diễn theo phong cách lạnh lùng, băng giá, là không chính xác, phải nói tùy vai. Như phim Phúc Lạc Hội, Kiều Chinh lột xác dần vai diễn từ một bà mẹ trẻ đến một bà cụ đau khổ một cách rất ngọt ngào. Phải công nhận Kiều Chinh là một trong rất hiếm những diễn viên điện ảnh đã nỗ lực hết sức để có thể sống, được làm việc và tồn tại trong làng điện ảnh Mỹ.
 
BỤI ĐỜI (1957)
Phim do hãng Trường Sơn thực hiện. Đạo diễn Lê Mộng Hoàng. Diễn viên: Bạch Xuyến, Bích Sơn, Minh Giao…
Câu chuyện về quãng đời trôi nổi của một đứa bé. Từ chuyện “bụi đời” của nó, đứa bé đã khám phá biết bao nỗi đau, tình thương gia đình đến cuộc sống: Cha chết vì tai nạn ô tô ngoài kinh thành Huế,  một mình quán xuyến mọi thứ mà gia đình vẫn sa sút, mẹ phải bán cả tư trang, đồ đạc trong nhà nhưng vẫn không đủ xoay sở. Nhơn được mẹ gửi vào Nha Trang ăn học ở nhà người bác. Cuộc sống đưa đẩy, mẹ Nhơn tái giá. Gia đình bác làm ăn thua lổ và ghét em dâu nên đối xử tệ bạc với Nhơn. Tuy tủi hổ và cơ cực, nhưng Nhơn vẫn thương bác, thương chị họ Thu và rất nhớ thương cũng như thông cảm cho mẹ. Có một lần Bà Minh (mẹ của Nhơn) ghé Nha Trang thăm con, Nhơn đòi theo mẹ, nhưng vì người chồng sau của bà rất tệ bạc, sợ con khổ, người mẹ gạt nước mắt từ chối và ra đi. Nhơn ở nhà bác chẳng khác người làm công không được ăn lương. Có lần vì làm vỡ đồ đạc nhà bác, Nhơn sợ bị hành hạ nên bỏ trốn. Lang thang, đói khát sống kiếp bụi đời…Cùng một người bạn từng cưu mang mình là Chát, hai đứa nhảy xe lên Đà Lạt tìm mẹ của Nhơn. Tìm được nhà của mẹ chung sống với người chồng kế, Nhơn biết được sự thật đau lòng là Mẹ cũng bị người cha dượng đày ải đến bỏ trốn vào Sài Gòn….Hai đứa bé nhà quê lạc vào thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông với biết bao bỡ ngỡ. Chúng kiếm việc làm để sống qua ngày..Rồi Nhơn gặp mẹ trong hoàn cảnh quá ngỡ ngàng, bà hiện là một gái điếm hạng sang. Nhơn gọi Mẹ nhưng bà đã vờ như không thấy vì xấu hổ với con. Rồi cũng có lúc mẹ phải nhìn con. Hai mẹ con ôm nhau khóc giữa đêm khuya, trong một căn phòng tội lỗi, đầy những lọ nước hoa và son phấn ô nhục….Bên ngoài trời, ánh bình minh sáng dần trên thành phố.
Vai chính trong phim, Nhơn- một đứa bé 10 tuổi, do bé Minh Giao đóng. Minh Giao giống nhân vật ở hoàn cảnh mồ côi cha cộng với năng khiếu và sự thông minh, đã diễn rất tròn vai.Vai bà mẹ do Bạch Xuyến đóng. Đoạn bà mẹ gặp lại con mình sau bao ngày tháng thương đau, Bạch Xuyến diễn rất đạt, làm cho khán giả xem phim phải rơi nước mắt.
Bối cảnh phim được quay ở nhiều nơi như: Huế, Nha Trang, Đà Lạt,, Sài Gòn…mất 2 tháng. Những hình ảnh đẹp trong phim do nhà quay phim Trần Văn Lịch cầm máy. Phần thu thanh bộ phim được thực hiện tại Hồng Kông.. Đây là sản phẩm đầu tiên của Trường Sơn điện ảnh nhưng đã đánh dấu một bước tiến đáng kể của nghệ thuật thứ bảy tại Việt Nam. Cuốn phim lên án xã hội, cuộc sống một cách nhẹ nhàng nhưng đầy tính nhân văn.
 
CHÚNG TÔI MUỐN SỐNG – WE WANT TO LIVE – KRUS NA KAWAYAN (1956)
Phim do Vĩnh Noãn viết kịch bản, dài 130 phút chiếu, trắng - đen. Cuốn phim có hai phiên bản khác nhau cùng quay một lúc.
Một bản tiếng Việt do Vĩnh Noãn đạo diễn với các diễn viên chính: Lê Quỳnh, Mai Trâm, Thu Trang, Nguyễn Long Cương, Nguyễn Đức Tạo, Lê Giang, Trần Văn Nhơn...
Phiên bản tiếng Anh - We Want To Live - do Manuel Conde đạo diễn với dàn diễn viên là người Philippines - Manuel Conde, Aida Carino, Myrna Mirasol… Phim có tên trình chiếu tại Philippines với phiên bản tiếng Tagalog là Krus Na Kawayan.
Lê Quỳnh và Manuel Conde xuất hiện trong vai nam chính Đại đội trưởng Vinh ở hai phiên bản.
Lê Quỳnh trong bộ phim đầu tay Chúng Tôi Muốn Sống của cố đạo diễn Vĩnh Noãn, được sản xuất bởi hãng phim Tân Việt.
Vai Vinh của Lê Quỳnh trong phim này đã hoàn toàn chinh phục khán giả thời ấy. Nét diễn duyên dáng và đầy cá tính của Lê Quỳnh được nhà sản xuất phim là ông Bùi Diễm đã kể lại như sau: "Khi bắt đầu làm bộ phim Chúng Tôi Muốn Sống thì chúng tôi cũng muốn chọn một người diễn viên mà có thể nói rằng không những đẹp trai, nhưng mà lại còn có khả năng để đóng phim được thì trong thời gian lựa chọn ấy chúng tôi thấy Lê Quỳnh là người rất là xứng đáng đóng vai chính, thành ra chúng tôi ở trong hãng phim Tân Việt, tức hãng phim sản xuất ra bộ phim Chúng Tôi Muốn Sống có nhờ đạo diễn Vĩnh Noãn và một người đạo diễn Philippines tên là Manuel Condez, hai người hợp tác với nhau, cho nên chúng tôi sản xuất được bộ phim Chúng Tôi Muốn Sống. Trải qua rất nhiều thời gian với nhau khi làm bộ phim Chúng Tôi Muốn Sống, chúng tôi phải đi quay tại Nha Trang, ở trong một cái trại do quân đội Việt Nam giúp, thành thử chúng tôi sống chung với Lê Quỳnh. Do đó chúng tôi quen biết nhiều về cái gọi là khả năng đóng phim của Lê Quỳnh. Bộ phim đó về một phương diện gọi là kỹ thuật, cũng như về phương diện tinh thần, thì vào thời đó có thể coi là một bộ phim đầu tiên được sản xuất với đầy đủ kỹ thuật. Lắm lúc chúng tôi cũng không được rõ Lê Quỳnh học diễn xuất ở đâu nhưng mà sau khi quay một vài lần diễn thử thì chúng tôi thấy Lê Quỳnh diễn thật đầy đủ khả năng để đóng phim. Chúng tôi đưa kịch bản phim cho Lê Quỳnh đọc để Lê Quỳnh nghĩ xem Lê Quỳnh có đảm nhận vai đó một cách có thể, nghĩa là lột được tinh thần của bộ phim không. Thì ngay lúc đầu Lê Quỳnh nhận thấy là Lê Quỳnh có thể làm được. Và sự thật sau một hai tuần làm việc thì chúng tôi thấy Lê Quỳnh đúng là người có khả năng có thể đóng vai trò chính trong phim đó, đóng vai chính với một tinh thần làm việc hết sức là thận trọng, thành thử vai trò của Lê Quỳnh là vai trò hết sức xuất sắc trong bộ phim Chúng Tôi Muốn Sống.”.
Năm 1967, cuốn phim phiên bản tiếng Việt đã được giải thưởng Chính Trị của đại hội Điện Ảnh Đông Nam Á tại Seoul Đại Hàn năm 1967.
Cuốn phim được chọn để trình chiếu trong đại hội Chống Cộng Thế Giới ở Dallas Texas cho các phái đoàn của một trăm nước đến xem vào ngày 12-11-1985, dưới sự chủ tọa của trung tướng chủ tịch John K. Singlaụb. Sau đó, phim ấy còn được chiếu tại Tòa Bạch Ốc thời tổng thống Reagan, cho các nhóm sinh viên học ngành chính trị, do ông Rudy Beserra, giám đốc phòng Liên Lạc Dân Sự tổ chức.
Năm 2008, phiên bản tiếng Tagalog được trình chiếu và vinh danh sự nghiệp diễn xuất của Manuel Conde tại CineMalaya 2008 Philippine Independent Cinema Festival
Gần 50 năm sau, năm 2003, trước khi mất, Đạo diễn Vĩnh Noãn lấy truyện phim “Chúng Tôi Muốn Sống” viết lại thành sách. Với 277 hình ảnh độc đáo trích từ cuốn phim, do chính đạo diễn và tác giả trình bày và hơn 200 trang sách “Chúng Tôi Muốn Sống” cùng DVD phiên bản tiếng Việt bộ phim được phát hành. Phiên bản tiếng Anh và Phi Luật Tân hiện cũng vẫn còn tồn tại.
YÊU (1973)
Chuyển thể từ quyển tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Chu Tử do Đỗ Tiến Đức đạo diễn. Quyển sách thì thành công nhưng cuốn phim...bị thất bại, dù có sự góp mặt của Thanh Lan, Tuyết Nhung, Lê Tuấn, Mai Trang và đặc biệt là chính tác giả quyển sách: nhà văn Chu Tử,  cùng nam danh ca Anh Ngọc cũng như Thúy Anh (nhóm Thúy Hà Tú)…
Vào thập niên 60, tuy phong trào hiện sinh đã ồn ào, nhưng người Việt Nam vẫn bất ngờ với mối tình không cân về tuổi tác của chú Đạt (Anh Ngọc) và cô cháu Diễm (Thanh Lan). Cuốn phim bắt đầu từ một lần đi picnic, chú Đạt đã đùa chơi hỏi cô nhóc mới 5-6 tuổi, con gái người bạn thân: “Lớn lên Diễm sẽ lấy ai nào?” Và bé Diễm hồn nhiên trả lời: “Lớn lên Diễm sẽ lấy chú Đạt !...”…Và cô bé lớn lên mang theo lời tuyên bố như một lời nguyền của mình…Phim cũng ướt át với những màn nóng bỏng do Tuyết Nhung và Mai Trang đóng. Nam ca sĩ Anh Ngọc chỉ có giọng hát hay hơn diễn xuất, thiếu nét lãng mạn, đa tình để có thể làm xao xuyến trái tim một cô...cháu mới lớn hay mơ mộng. Nhà văn Chu Tử cũng không thể hiện được hình ảnh một ông già...“dịch”. Phim nầy Thanh Lan cũng chỉ đẹp và dễ thương chứ diễn xuất không có gì xuất sắc.
(còn tiếp)
 
Lê Quang Thanh Tâm

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sốc với "trò" của Mai Quốc Doanh

Duy Tân - Người Mẫu và Diễn Viên