“Nhạn Trắng” Bay Về!











“Gò Công cánh nhạn xa xa…
Phất phơ cánh trắng là đà bên sông
Tiếng ai nức nở trong lòng
Nghe chừng vang vọng mấy vòng sơn khê !”
Đó là những câu thơ về Phương Dung do một khán giả yêu thích cô viết tặng. Cô ngồi trước mặt tôi, một “danh ca” vang bóng một thời nhưng rất bình dị và đơn sơ, chân thành, đôn hậu từ ánh mắt cho đến nụ cười đặc trưng của miền biển Gò Công đậm đà và mặn mòi.
Nữ ca sĩ Phương Dung hiện nay vẫn còn rất “mi nhon”. Cùng với nữ nghệ sĩ Mộng Tuyền, ca sĩ Phương Dung thuộc loại “trẻ dai”. Cô bận áo thun ôm eo và quần Jean. Gặp cô tại quán cà phê Pianno trong một buổi chiều, cô về nước để làm từ thiện, cô đã từng đi khắp mọi miền đất nước đến những vùng quê nghèo để đem ánh sáng đến những mảnh đời bất hạnh.
Đã nhiều lần bay đi, bay về quê hương, nhưng hôm nay “Nhạn Trắng Gò Công” mới thật sự trở về hòa nhịp với tiếng hát, lời ca trên sân khấu lớn phục vụ khán giả quê nhà, sau hơn 30 năm xa cách trong các chương trình ca nhạc như: “Nụ Cười Và Thời Trang” (diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình tối 20 và 21/3/2009) và tại phòng trà Văn Nghệ sau đó.
“Nhạn Trắng Gò Công” chính là mỹ danh của cô. Cô tên thật là Phan Phương Dung, sinh năm 1946, tại Gò Công, Tiền Giang. Cô bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 1960 ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường Nguyễn Bá Tòng. Cô nổi danh vào những năm 1963, 1964, và trở thành ngôi sao lộng lẫy với các giọng ca đương thời như Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu... Đường ca hát rất rộng mở với cô. Năm 17 tuổi, cô đã nổi tiếng với ca khúc như Những Đồi Hoa Sim (Dzũng Chinh phổ nhạc, thơ Hữu Loan), Nỗi Buồn Gác Trọ (Mạnh Phát và Hoài Linh), Tạ Từ Trong Đêm (Trần Thiện Thanh), Đố Ai (Phạm Duy), Khúc Hát Ân Tình (Xuân Tiên và Y Vân)…và cả Hoa Nở Về Đêm (Mạnh Phát) từ những thập niên 1960, 1970…
Năm 1965, với bài hát Tạ từ trong đêm của nhạc sĩ Nhật Trường - Trần Thiện Thanh, Phương Dung đã nhận được Huy chương Vàng giành cho nữ ca sĩ trong năm, và nhạc sĩ sáng tác được giải Bài hát xuất sắc nhất trong năm.
Mỹ danh "Con Nhạn Trắng Gò Công" do nhà thơ kiêm soạn giả nổi tiếng Kiên Giang- Hà Huy Hà dành tặng cho cô.
Về lĩnh vực ghi âm, “Nhạn trắng” đã thu âm rất nhiều vào đĩa nhựa của các hãng đĩa danh tiếng như: Đĩa Hát Việt Nam, Sóng Nhạc, Sơn Ca, Continental, Trường Hải, Hồng Hoa... Tiếng hát Phương Dung đi vào lòng người nghe một cách ngọt ngào, chân phương, và cũng đầy khắc khoải những kỷ niệm thương đau của một thời khói lửa.
Có một ký giả nổi tiếng trước năm 1975 đã viết: “Tiếng hát Phương Dung vang lộng, lảnh lót, và dẻo mê dẻo mệt. Cách diễn tả của cô không có màu mè riêu cua. Tiếng hát sung mãn và tươi xanh như cỏ tranh, như những loại cây mọc mé sông rạch miền Tiền Giang lẫn miền Hậu Giang như: cây ô rô, cây bình bát, cay muối, cây dứa gai... Cô được mệnh danh là con Nhạn Trắng Gò Công nhưng tiếng cô chỉ lảnh lót như tiếng nhạn, chứ không quá buồn như tiếng nhạn... Khi Phương Dung hát, tiếng hát cô như phảng phất một chút u hoài dìu dịu, một chút luyến tiếc bảng lảng gần như mơ hồ về mảnh đất quê hương ở Gò Công của cô...”
Phương Dung còn tham gia đóng cải lương và hát cổ nhạc. Sau khi thọ giáo cổ nhạc, Phương Dung đã được mời thu thanh một loạt bài ca vọng cổ cho các hãng đĩa và đĩa bán rất chạy. Sau đó cô được đoàn Thống Nhất mời tham gia đóng cải lương và được quảng cáo thật rầm rộ.
Phương Dung lập gia đình và có 8 người con, 6 trai và 2 gái. Hai cô con gái theo nghệ thuật là Phương Vy và Hoàng Ly.
Sang Úc định cư sau năm 1975, đến năm 1983 ca sĩ Phương Dung mới trở lại ca hát, sau đó Phương Dung ra hãng riêng cho mình.
Hiện nay tuy đã có tuổi nhưng giọng ca của Phương Dung vẫn đậm đà bởi lối hát tâm tình, nhiều cảm xúc. Cô được khán giả kiều bào yêu mến không chỉ vì giọng ca vượt thời gian, phong cách biểu diễn thân mật, gần gũi với công chúng mà còn vì những hoạt động từ thiện.
Hoạt động chính của Phương Dung hiện nay là làm việc thiện nguyện, đem hết những khả năng sẵn có của mình để xoa dịu nỗi mất mát của những người kém may mắn. Cô là một trong những người thành lập Hội See The Light chuyên giúp đỡ những bệnh nhân và người nghèo tại Việt Nam mổ mắt, xây nhà, xây trường học. Cô còn vận động văn nghệ sĩ, bạn bè của cô tham gia vào chương trình này thông qua những show nghệ thuật gây quỹ từ thiện tại những quốc gia có đông người Việt.
Hè mỗi năm, Phương Dung thường về Việt Nam giúp mổ mắt cho người mù ở Gò Công, cũng như những nơi nào mà cô có thể đến được từ Quảng Trị đến Cà Mau. Năm 1999, Phương Dung bắt đầu về Việt Nam giúp mổ mắt cho gần 300 người mù ở Gò Công, Tiền Giang, nơi cô sinh ra. Sau đó năm nào cô cũng về Việt Nam, ra tận Quảng Trị, Đồng Hới, Quảng Nam, Kon Tum; vào Đồng Tháp, Cần Thơ, tận Oc Eo... không chỉ giúp mổ mắt mà cô còn giúp cho học sinh nghèo, cứu trợ nạn nhân thiên tai, bão lụt ... Đi đi về về trong rất nhiều năm liền, làm rất nhiều công việc thiện nguyên nhưng cô làm trong thầm lặng, không qua một tố chức nào. Tôi hỏi tiền cô kiếm ở đâu. Cô cười và cho biết rất nhẹ nhàng: “Tiền cô tham gia ca hát, ra CD, DVD…thực hiện các chương trình…Nói chung từ những thu nhập mà cô kiếm được, …chớ cô không có xin một tổ chức nào cả…”
Ngoài ra, Phương Dung cũng tham gia nhiều nhạc hội giúp các chùa Phật Giáo. Hai CD gần đây nhất của Phương Dung là Lời Khấn Cầu và Chấp Tay Niệm Phật - theo lời cô: “Các băng nhạc này được bán để giúp cho người nghèo tại Việt Nam.”
Hỏi Phương Dung về những kế hoạch mà cô ấp ủ cho tương lai, Phương Dung cho biết là cô sẽ sưu tầm những tư liệu của mình để thực hiện một chương trình DVD về cuộc đời Nhạn trắng Gò Công – Tiếng Hát Phương Dung. Đó là kế hoạch lớn nhất của cô trong âm nhạc. Còn cuộc sống của cô từ này về sau sẽ dành để làm việc thiện - Đó có lẽ là bí quyết lớn nhất giúp cô trẻ và “sống bền” trong lòng công chúng – Phương Dung đã cười và trả lời tôi vậy!
LÊ QUANG THANH TÂM

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sốc với "trò" của Mai Quốc Doanh

Duy Tân - Người Mẫu và Diễn Viên