Mộng Tuyền "Không có thời gian cho con thì không nên có con..."


"Gần 20 năm qua, đã 31 lần chị trở về thăm quê, thăm gia đình, nhưng âm thầm, lặng lẽ, không mấy ai biết... Nỗi sợ sân khấu cứ giấu mãi trong lòng, chị không dám xem cả truyền hình vì nhớ nghề và muốn trở lại sàn diễn".
Mộng tuyền là một tên tuổi không xa lạ với khán giả sân khấu cải lương và màn ảnh từ trước năm 1975.
Với sân khấu, vai diễn góp phần đưa tên tuổi chị sáng chói là vai sơn nữ Mộng Tuyền trong Mùa xuân còn mãi, còn vai vũ nữ Thu Lan trong vở Phu tử tòng tử giúp chị được trao tặng Huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1963, cùng năm với Bạch Tuyết, Trương Ánh Loan, Tấn Tài, Thanh Tú, Diệp Lang.
Khán giả trước năm 1975 yêu thích Mộng Tuyền nhất là vai nàng Klai trong Mưa rừng. Chị cũng tham gia trong nhiều phim như 11h30 (năm 1967); Loan trong phim Chân trời tím (năm 1970); cùng La Thoại Tân, Huy Cường, Thanh Lan xuất hiện trong Gánh hàng hoa (vai Lựu năm 1970); diễn cặp với Thanh Tú trong Phận má hồng (năm 1972)...
Ngoài ra chị còn tham gia bộ phim Ổi, Quê Hương tôi do Đài Loan và Hàn Quốc sản xuất, diễn cùng với tài tử Hàn Quốc Kim Bak và diễn viên Huy Cường. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa từng nhận xét vẻ đẹp trong sáng của Mộng Tuyền chính là một làn gió mới tươi mát cho màn ảnh Sài Gòn.
Ngay sau ngày miền Nam giải phóng, Mộng Tuyền đã cùng các nữ ngôi sao của miền Nam khác như Thanh Nga, Thẩm Thuý Hằng, Kim Cương... nhanh chóng hòa nhập vào nền nghệ thuật cách mạng. Trong bộ phim truyện nhựa đầu tiên của đài truyền hình TP.HCM Cô Nhíp - đạo diễn Khương Mễ, Mộng Tuyền đã tham gia vai vợ đại tá Hoàng.
Đã hơn 30 năm kể từ ngày phát sóng lần đầu tiên vào mùng Một Tết Đinh Tỵ (1977), bộ phim truyện Cô Nhíp đã gây được tiếng vang lớn trong khán giả. Sau bộ phim này Mộng Tuyền tiếp tục tham gia các phim Trang giấy mới và Tình yêu của em... Với vai bác sĩ Mai Trâm (Tình yêu của em, đạo diễn Lê Mộng Hoàng dựa trên câu chuyện thật của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng làm việc tại bệnh viện phụ sản Từ Dũ). Mộng Tuyền được trao giải nữ diễn viên xuất sắc nhất của Liên hoan phim Việt Nam.
Nhưng ngược lại với những vinh quang nghề nghiệp thì cuộc sống riêng của chị lại không mấy suôn sẻ. Chị kể, nhìn lại những bước thành công của chị, bóng dáng và công lao của người cha rất lớn. Ba chính là điểm tựa lớn trong cuộc sống và nghệ thuật của chị. Ông rất thương và cũng vì thế mà bảo vệ chị rất kỹ.
Những năm theo đoàn Thanh Minh - Kim Chung đi lưu diễn, nơi thôn quê hẻo lánh không có khách sạn hay nhà trọ thì mọi người thường giăng mùng ngủ ở dưới sân khấu. Ba chị giăng võng nằm "canh" cho chị ngủ cả đêm... Việc lo lắng cho con của ông đến nỗi thành giai thoại nhưng đối với chị, đó là một hạnh phúc lớn...
Lúc đó chị rất "con nít", chẳng hề biết gì ngoài ca hát, kể cả chuyện yêu đương... Anh nào tỏ tình cũng đi "méc" với Ba, nhớ nhất là lần anh Hà Triều gởi thư tình cho chị, chị cũng không dám đọc, đem đến đưa cho Ba xem... Ba mất năm 1993, chị không về kịp, đến 10 ngày sau khi chôn cất Ba xong, chị mới về đến Việt Nam... Ba mất là chị mất một điểm tựa tinh thần không sao bù đắp nổi.
Ngày trước chị lấy chồng khi chưa có mối tình nào vương vấn trong tim, lấy chồng vì bổn phận của một người chị muốn cho gia đình và các em sung túc. Cho nên, đối với chồng, chị mang nặng ơn nghĩa hơn là tình yêu... Tuổi trẻ thường bồng bột và nông nổi... Rồi chị chia tay với chồng - cũng là do định mệnh đưa đẩy, dù cũng như bao người phụ nữ khác chị rất quý trọng hạnh phúc gia đình...
Giờ thì chị sống một mình. Chưa một lần được làm mẹ trong đời nên cũng có lúc chị cảm thấy chạnh lòng vì không có con, nhưng rồi cũng tự an ủi, xem như đó là định mệnh của mình. Chị nói, cái khó không phải là cảnh vượt bể muôn trùng mà chính là nuôi dạy con thế nào cho tốt. Nếu con cái trở thành người hữu dụng trong xã hội thì đó là một niềm hạnh phúc nhưng nếu nó trở thành một kẻ xấu thì đó là một bất hạnh lớn...
Không có thời gian lo cho con cái hay không làm tròn bổn phận người mẹ thì không nên có con... Gần 20 năm qua, đã 31 lần chị trở về thăm quê, thăm gia đình, nhưng âm thầm, lặng lẽ, không mấy ai biết... Nỗi sợ sân khấu cứ giấu mãi trong lòng, chị không dám xem cả truyền hình vì nhớ nghề và muốn trở lại sàn diễn.
Được bạn bè động viên và thấy khán giả vẫn còn nhớ mình, chị đã trở lại với khán giả trong live show của nghệ sĩ Lệ Thuỷ, Thanh Sang, trong các chương trình của Hội sân khấu và Đài truyền hình, tham gia chương trình Khúc giao mùa ngay ngày giỗ Tổ vừa qua...
Sự trở lại này khiến chị ấp ủ một dự án lớn là thực hiện một live show riêng của mình thật đặc biệt trong tháng 12.2007, diễn lại những vai thành công của chị, cùng với các khách mời như Út Bạch Lan, Ngọc Hương, Diệu Hiền, Ánh Hồng, Bạch Tuyết, Lệ Thuỷ, Thanh Kim Huệ, Phi Ánh, Hùng Minh, Thanh Sang, Diệp Lang, Phương Bình, Tuấn Khanh... Chị cũng vừa hoàn thành CD Mộng Tuyền Nhớ mãi mưa rừng do LQTT Production sản xuất và Trung tâm băng nhạc Lạc Hồng phát hành đầu tháng 10.2007.
Với phim ảnh, chị nhận được lời mời của nhiều hãng phim và tham gia vai bà Hạnh trong bộ phim truyền hình 30 tập Tôi là ngôi sao.
Giờ thì chị sống thanh thản với những gì số phận đã sắp đặt cho mình, tập thể dục mỗi ngày và một thú vui khác là thường xuyên truy cập internet, cập nhật tin tức để "không trở thành người lạc hậu".
LQTT

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sốc với "trò" của Mai Quốc Doanh

Duy Tân - Người Mẫu và Diễn Viên